Người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên truyền thông và cấm xuất cảnh


Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tính đến tháng 12/2023 theo Statista.

Với sự tác động mạnh mẽ và tiện ích to lớn, thương mại điện tử đã trở thành xu thế tất yếu, đặt ra những thách thức mới và không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.

Bàn về các giải pháp cụ thể chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”.

"Theo đó, Tổng cục Thuế chú trọng và kịp thời xây dựng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý thuế trong ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử" - Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế cho hay.

"Thực tế cho thấy, hiện người bán hàng online cần đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ kinh doanh trực tuyến trên 100 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền" - Tổng cục trưởng Thuế Mai Xuân Thành thông tin.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử. Danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, cơ quan này sẽ cưỡng chế, trong đó có biện pháp cấm xuất cảnh với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ.